Hoạt động tích cực trên thị trường chuyển nhượng, nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đánh “ngang cơ” với Hàn Quốc, thế nhưng thực tế các đại diện từ xứ sở gấu trúc đã dừng chân đầy cay đắng.
Trước khi Chung kết Thế giới mùa 2015 diễn ra, bất kỳ fan Liên Minh Huyền Thoại nào cũng nghĩ rằng người Trung Quốc vẫn sẽ là đối trọng, là niềm hi vọng duy nhất có thể ngăn bước tiến của các "Oppa" xứ Hàn. Thế nhưng thực tế cả ba đội tuyển tới từ đất nước đông dân nhất thế giới đều đã dừng chân từ sớm trong sự bất ngờ của các chuyên gia.
Dù có trí tượng tượng phong phú tới mấy, khó ai có thể nghĩ tới viễn cảnh thế lực mạnh thứ hai của nền Liên Minh Huyền Thoại thế giới lại gục gã một cách bạc nhược như vậy. Không một lời bào chữa, họ xứng đáng với những tiếng la ó từ phía người hâm mộ tại Paris, nước Pháp.
Tự đánh mất bản sắc của mình
Mỗi một khu vực trên bản đồ Liên Minh Huyền Thoại đều mang một bản sắc riêng. Đơn cử như châu Âu là tính kỷ cương trong chiến thuật, Hàn Quốc kỹ thuật cao kết hợp với lối chơi chắc "nịch", vậy bản sắc của người Trung Quốc là gì?
Nhắc tới lối đánh của giải đấu LPL, người người sẽ nhớ nhiều tới những pha xử lý kỹ năng cá nhân, những trận đấu máu lửa như đánh Xếp hạng, cống hiến hết mình cho người xem. Các trận đấu tại đây luôn nóng bỏng, hấp dẫn, có nhiều mạng và rất ít những toan tính.
Đây là thương hiệu của giải đấu này, là bản sắc của những đội tuyển Trung Quốc và cũng chính nhờ nó mà người Trung Quốc luôn khiến khu vực Bắc Mỹ hay châu Âu phải bất ngờ và chịu trận trong quá khứ. Thế nhưng mọi thứ đã sụp đổ khi người Hàn gia nhập LPL.
iG đại bại trước C9
Tại LPL mùa Xuân 2015, giải đấu LPL có 12 đội tham dự thì 9 đội sở hữu game thủ Hàn Quốc. Bước sang giải đấu mùa Hè, số đội tham dự được nâng lên 16 thì số đội sở hữu các game thủ Hàn Quốc cũng tăng lên 14. Đó còn chưa kể tới những HLV người Hàn Quốc được gửi gắm, đặt trọn niềm tin.
Những con số này cho thấy các đội tuyển Trung Quốc vì tham vọng đã đánh mất niềm tin vào những tài năng trong nước. Không thể phủ nhận rằng, iG, EDG, LGD đã "lột xác" khi KaKAO, Pawn, Deft hay imp tới, giúp họ đánh bại những tượng đài như OMG của Gogoing hay StarHorn Royal Club của Uzi nhưng nếu nhìn vào lối chơi của họ, ta không còn thấy "bóng hình" quen thuộc, thay vào đó là một lối chơi nửa vời, nửa Hàn - nửa Trung.
Trong lúc Koro1, Clearlove thất vọng vì trận thua muối mặt trước Origen thì người hâm mộ Trung Quốc lại nhớ tới Gogoing hay thiên tài Uzi
Rõ ràng về kỹ thuật cá nhân, người Trung Quốc khó có thể bì kịp Hàn Quốc, chiến thuật cũng chưa bao giờ được đánh giá cao, tính kỷ luật trong lối chơi kém. Thử hỏi việc họ đánh đổi bản sắc của mình để nhận được những thất bại cay đắng này, liệu có đáng hay không? Hãy nhìn vào cách Edward Gaming thua trước Origen của xPeke, không còn những tình huống "hổ báo" thay vào đó là sự nhu nhược, yếu đuối, thiếu tham vọng chiến thắng, thứ trước đây không hề có trong từ điển của họ.
Áo tưởng về bản thân, đánh giá thấp đối thủ và coi thường tập luyện
Trong một bài phỏng vấn gần đây, GODV đã tiết lộ rằng: "Kết quả tập luyện chẳng có nghĩa lý gì. Đa số các đội đều muốn rút kinh nghiệm thông qua thực chiến." Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến họ thất bại nặng nề tại CKTG.
Dù sở hữu nhà vô địch imp thì LGD vẫn thua thảm
Như chúng ta đã biết, trước khi giải đấu quan trọng nhất năm của Liên Minh Huyền Thoại diễn ra, lối chơi đã thay đổi một cách đột ngột khi vai trò của người đi đường trên bỗng trở nên vô cùng quan trọng. Do thời gian quá ngắn, những iG, EDG hay LGD không kịp thích ứng hay chưa có một trận "thực chiến" lớn nào để "rút kinh nghiệm", dẫn tới việc không theo kịp thời đại.
Bên cạnh đó, họ cũng không chịu luyện tập một cách nghiêm túc như cách người Hàn Quốc đã làm. Quản lý SanShao của EDG tiết lộ rằng họ đã gửi đề nghị tới iG và LGD để "cùng nhau" tập luyện, thế nhưng họ đều từ chối. Điều này trái ngược hoàn toàn với người Hàn Quốc, họ luôn thích được thực chiến, tập luyện với các đội tuyển cùng đẳng cấp, nhờ đó mà phát triển cực nhanh về cả kỹ thuật lẫn tư duy.
Thay vì khiến Fnatic bất ngờ nhờ lối đánh máu lửa của mình, EDG mới chính là người bị sốc trước chiến thuật xạ thủ Kennen
Cuối cùng, trong tư tưởng các đội tuyển Trung Quốc thì chỉ duy nhất Hàn Quốc mới là đối thủ và họ chỉ quan tâm nghiên cứu về một đối tượng mà quên mất các khu vực khác đang tiến bộ hàng ngày. Hãy nhìn trận đấu của EDG với Origen mà nhận ra rằng, không chỉ về kỹ năng mà tư duy chiến thuật ở LCS EU đã đạt và vượt qua ngưỡng người Trung Quốc, ít nhất là ở mùa giải này.
Áp lực từ phía khán giả
Các đội tuyển tới từ Trung Quốc bất ngờ bị người hâm mộ tại Paris, nước Pháp "ngược đãi". Thay vì hò reo cổ vũ nhiệt tình như cách đối xử với SKT T1, C9 hay Origen, những Koro1, Clearlove, Rookie phải chịu những tiếng la ó từ phía người hâm mộ phía dưới khán đài mỗi khi thua giao tranh hay tham gia phỏng vấn cuối trận đấu. Dù không trực tiếp nhưng việc bị "ngược đãi" này cũng khiến LGD, iG phải chịu nhiều áp lực lớn, dẫn tới màn trình diễn thiếu ấn tượng.
Còn nhớ tại Siêu Sao Đại Chiến Thượng Hải 2013, nhờ sự cổ vũ nhiệt tình từ người hâm mộ mà Trung Quốc đã bay cao đến thế nào. Đừng coi thường yếu tố này, hãy nhìn cách Soaz thi đấu hay thế nào khi nhận được dự cổ vũ nhiều tình từ người hâm mộ.
0 comments :
Post a Comment