Mất xe, dép, nhân viên lao công bị chửi, đe dọa... là những chuyện cười ra nước mắt tại nhà vệ sinh đẳng cấp 4 sao tiền tỷ ở TP.HCM sau nửa năm đi vào hoạt động.
Vừa tấp xe máy vào lề, loay hoay chưa biết để xe ở đâu, anh Thanh Nhật (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chạy chiếc xe tay ga đắt tiền được một thanh niên mặc áo xanh ngồi trên ghế trước nhà vệ sinh công cộng tiền tỷ ở khu B công viên 23/9 (quận 1) nói vọng tới: "Cứ để đấy anh coi cho".
Không thể "nhịn" thêm nên anh Nhật dựng xe gần đó rồi chạy vội vào nhà vệ sinh. "Giải quyết"xong ra ngoài hỏi nhân viên lao công thì mới biết thanh niên kia không phải nhân viên trông xe."Thật không thể chủ quan, may mà chưa mất xe”, anh Nhật nói.
Ở nhà vệ sinh tiền tỷ này, phường cử bảo vệ đến trông xe cho khách vài tuần gần đây. Trước đó, khách muốn đi toilet thì không biết để xe ở đâu, nhờ ai giữ. Nhiều người cho biết họ cứ dựng xe trước cửa vì nhu cầu "giải quyết" gấp, không "nhịn" được.
"Từ khi xảy ra 2 vụ mất xe, phường yêu cầu xuống giữ xe miễn phí cho người đi vệ sinh từ 5 - 22h hàng ngày, chia làm 2 ca", ông Trịnh Trấn Đạt, 66 tuổi, bảo vệ dân phố khu phố 1, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 đang trông xe tại toilet khu A công viên 23/9, cho biết.
Chị Nguyễn Thị Diễm - nhân viên vệ sinh ca chiều ở đây - cho hay có rất nhiều thành phần lao động, kể cả những người nghiện, bụi đời vào sử dụng nhà vệ sinh. Từ đó nảy sinh nhiều chuyện không hay.
Nhiều người không biết gửi xe ở đâu để vào nhà vệ sinh công cộng tiền tỷ.
Theo quy định khách trước khi vào nhà vệ sinh phải bỏ giầy, dép và mang dép được nhân viên chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, hiện cả nhà vệ sinh nam nam và bên nữ đều không... còn đôi dép nhựa nào.
"Chúng tôi mất gần 10 đôi dép rồi, giá trị của chúng chỉ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/đôi. Để chống trộm, tôi cắt mũi dép cho xấu để mọi người khỏi mang đi nhưng vẫn mất”, chị Diễm nói.
Chị Trương Phước Giàu, phụ trách dọn dẹp nhà vệ sinh 4 sao ở khu A công viên 23/9, cho biết 1 ngày có đến cả trăm khách ra vào nhưng chỉ có một nhân viên phụ trách cả bên nam và nữ nên không thể để ý hết mọi việc.
"Tôi hay dặn khách dựng xe phía trước cửa để trông giùm vì không có người giữ xe. Tuy nhiên, việc mất xe đã diễn ra, còn dép thì mất thường xuyên, chúng tôi phải tự bỏ tiền ra mua lại để cho khách sử dụng", chị Giàu nói.
Ngoài ra, có nhiều khách để giầy bên ngoài cũng bị mất. "Nhiều khi tôi phải cho khách mang giầy vào luôn, vì thấy đôi đó có vẻ đắt tiền", nhân viên vệ sinh nói.
Dép nhựa bị cắt đầu để khách khỏi lấy nhưng vẫn mất thường xuyên.
Toilet chuẩn 4 sao ở công viên Tao Đàn (quận 3) cũng rơi vào tình trạng tương tự, thậm chí cái khăn lau chỗ rửa tay, rửa mặt cũng mất thường xuyên. Bên cạnh đó, ý thức người dân cũng là câu chuyện đau đầu với các nhân viên dọn dẹp tại đây.
"Trong toilet không có chỗ thoát nước, dù đã nhắc nhở nhưng nhiều khách vẫn vào đó tắm thoải mái. Khi họ đi ra còn mặt nặng mày nhẹ vời mình. Hôm trước, trời vừa dứt cơn mưa thì có một phụ nữ dựng xe, chạy vội vào xả nước cho hết bùn đất dính trên người. Chị này không thèm cởi giày ra nữa. Khi tôi nhắc nhở thì bị quát vào mặt”, nhân viên dọn dẹp nhà vệ sinh ở công viên Tao Đàn kể.
Theo lời kể của nhân viên ca chiều tên Thủy có lần suýt bị khách đánh, họ cầm cây sắt đe dọa chỉ vì chị nhắc nhở giữ vệ sinh chung.
Những việc kém ý thức khác như mang dép giẫm lên bồn cầu, bể nắp đậy, gãy cần gạt nước thì diễn ra thường xuyên. Mỗi lần như vậy thì nhân viên vệ sinh rất vất vả lau chùi, vì đây là nhà vệ sinh chuẩn 4 sao, bị kiểm tra thường xuyên nên không thể để dơ dáy.
"Tâm lý của nhiều người rằng nhà vệ sinh công cộng nên sao cũng được, trách nhiệm dọn dẹp là của nhân viên. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người dân ý thức tốt. Có người làm hỏng cần gạt nước, hôm sau họ mang cái mới vào thay", chị Diễm vui vẻ nói.
0 comments :
Post a Comment