La Mã, Mông Cổ, Anh,... được đánh giá là các siêu cường hàng đầu trong lịch sử. Dù oai hùng, đa phần các siêu cường đều sụp đổ do mâu thuẫn nội tại.
Mặc dù thế giới có nhiều đế chế lớn nhưng danh sách các siêu cường thường ít hơn rất nhiều. Rất khó để một quốc gia trở thành siêu cường và duy trì vị trí siêu cường của mình vì điều đó đòi hỏi phải có khả năng áp đảo tất cả các đối thủ.
Dưới đây là 5 siêu cường lớn nhất trong lịch sử, theo quan điểm của cây bút Akhilesh Pillalamarri trên tờ National Interest của Mỹ:
Đế chế La Mã
Bức tranh “Sự sụp đổ của La Mã”. (Tác giả: Thomas Cole)
Đế chế La Mã vươn tới đỉnh cao sức mạnh của mình vào thế kỷ thứ 2. Tới thời điểm đó, đế chế này là thế lực thống trị ở hầu hết thế giới cổ đại. Dẫu sức mạnh của nó chưa vươn xa tới tận Ấn Độ và Trung Quốc, tầm ảnh hưởng của đế chế La Mã là vấn đề không phải bàn cãi ở Trung Đông và châu Âu. Đế chế này bao gồm hầu hết các trung tâm dân cư và văn minh lớn của thời cổ đại, như Hy Lạp, Ai Cập, vùng Levant (trong đó có Syria và Iraq ngày nay), Carthage, Tiểu Á, và Italy.
Dân số của đế chế La Mã vào lúc đỉnh cao đạt tới khoảng 60 triệu, vượt xa dân số của các quốc gia láng giềng và chiếm một tỷ trọng lớn trong dân số toàn thế giới khi đó. Quy mô lớn của đế chế khiến nó không cần phải giao thương nhiều với bên ngoài ngoại trừ khi phải mua các nguồn vật liệu xa xỉ (ví dụ như tơ lụa, gia vị, hương trầm,…).
Tại thời điểm đó đế chế La Mã có ưu thế quân sự áp đảo trước các nước láng giềng, ngoại trừ một nước duy nhất có tính tổ chức cao là đế chế Ba Tư. Tuy nhiên sức mạnh của Ba Tư cũng không thể sánh được với La Mã. Trong khi các đội quân lê dương của La Mã có khả năng và trên thực tế đã tàn phá được vùng lõi của Ba Tư, thì quân đội Ba Tư lại không có cơ may nào xâm phạm vào sâu trong lãnh thổ La Mã. Các đội quân lê dương của La Mã là bất khả chiến bại trong các trận chiến với kẻ thù. La Mã cuối cùng bị tan rã, nhưng sự tan rã đó không phải do các đe dọa từ bên ngoài mà là do nội chiến liên miên, suy thoái kinh tế và sự phụ thuộc quá nhiều vào lính đánh thuê.
Đế chế Mông Cổ
Chân dung Thành Cát Tư Hãn – nhà lãnh đạo lỗi lạc nhưng vô cùng tàn bạo của đế chế Mông Cổ. (Ảnh: fieldmuseum.org)
Đây từng là đế chế lớn nhất thế giới về mặt diện tích. Sự trỗi dậy của đế chế này gây nhiều ngạc nhiên khi mà chỉ một nhóm bộ lạc Mông Cổ có số lượng không quá một triệu người lại có thể chinh phục được các đế chế lớn gấp hàng trăm lần theo đúng nghĩa đen. Sở dĩ Mông Cổ làm được điều này là nhờ vào chiến thuật sắc sảo, tính cơ động, khả năng tích hợp các công nghệ của các dân tộc bị chinh phục.
Thủ lĩnh Temujin đã thống nhất tất cả các bộ lạc Mông Cổ vào năm 1206 khi ông ta 50 tuổi. Khi đó ông ta được thừa nhận là kẻ cai trị cấp toàn cầu (Thành Cát Tư Hãn). Chinh phục xong miền bắc Trung Quốc, ông đã tàn phá Trung Á. Thành Cát Tư Hãn coi việc các sứ giả Mông Cổ bị giết ở Trung Á là một sỉ nhục đối với ông.
Cuộc chinh phục Trung Á (từ năm 1219-1221) rồi Iran đã tàn phá khu vực này và đây là một trong các sự kiện bạo tàn nhất trong lịch sử. Có lẽ 15-50 triệu người trong khu vực (đa phần là dân Trung Á) đã chết trong thời kỳ này.
Những người kế tục Thành Cát Tư Hãn đã cai trị một đế chế tiếp tục chinh phục hầu hết lục địa Á-Âu, bao gồm toàn bộ Trung Đông, một số vùng của Đông Âu, Trung Quốc và Nga. Đế chế Mông Cổ đã mở ra một thời kỳ ngắn cho hòa bình và mậu dịch trên một phạm vi rộng lớn của thế giới. Cuối cùng, ngoài một số thất bại ở Nhật Bản và vùng Levant, mối đe dọa chính đối với sự thống trị của đế chế Mông Cổ nằm ở sự đấu đá trong nội bộ giới cầm quyền Mông Cổ, khiến đế chế bị phân mảnh thành 4 quốc gia nhỏ hơn – các quốc gia này lần lượt tan rã hoặc bị chinh phục. Di sản của đế chế Mông Cổ vẫn còn tới hiện nay khi có tới 8% trong tổng số nam giới trên thế giới là... hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn!
Đế chế Anh
Bản đồ đế chế Anh. (Tác giả Duke-Nidhoggr)
Đế chế Anh ra đời từ các hoạt động thực dân và thương mại của Anh quốc trong thế kỷ 18. Vào đầu thế kỷ 20, Anh đã trở thành đế chế lớn nhất trong lịch sử loài người, chiếm tới 1/4 diện tích trái đất. Chính vì quy mô lớn như vậy nên mới có câu nói “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”. Vào thời điểm đỉnh cao của đế chế Anh, có tới trên 1/5 dân số toàn thế giới sống trong đế chế đó.
Khác với các đế chế lớn trước đó, cơ sở cho sức mạnh của Anh quốc là hải quân của nước này mà dựa vào đó Anh có thể tung hoành khắp nơi. Hải quân mạnh cho phép Anh thực thi tự do hàng hải, chống lại chế độ nô lệ và nạn cướp biển, góp phần làm cho thế giới an toàn hơn.
Thay vì nỗ lực kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn trong lục địa để khai thác tài nguyên, đế chế Anh tập trung nhiều vào thương mại và kiểm soát các tuyến hàng hải then chốt. Các kênh đào và eo biển như Suez, Malacca, Aden, Hormuz, và Gibraltar - tất cả đều từng thuộc quyền quản lý của người Anh. Thực tế này giúp Anh trở nên vô cùng giàu có.
Đế chế Anh rất đa dạng và bao gồm lãnh thổ trải trên tất cả các lục địa của thế giới, với một hệ thống đa dạng các nền văn hóa. Người Anh đã cai trị một số đông dân số không phải là người Anh bản địa, nhờ đó họ có điều kiện để phát triển và hoàn thiện các phương thức cai trị nhiều khu vực khác nhau một cách trực tiếp hoặc thông qua “tay sai” địa phương. Chế độ thống trị của Vương quốc Anh đã mở rộng đến những nơi rất khác biệt nhau như là Ấn Độ, Ai Cập và Canada.
Liên Xô
Bản đồ Liên Xô. (Ảnh: LtAngemon)
Có lẽ với quy mô cực lớn và nguồn lực hết sức phong phú của mình, Liên Xô đương nhiên phải trở thành một siêu cường. Liên Xô đã kế thừa hầu hết dân số và lãnh thổ của đế chế Nga – một đế chế đã mở rộng ra rất lớn thông qua các cuộc chinh phục. Chính tên trùm phát xít Hitler sau này cũng nghiệm ra một điều: quy mô khổng lồ của Liên Xô tạo cho siêu cường này sức mạnh rất khó đánh bại trong chiến tranh.
Diện tích lớn bát ngát đầy các tài nguyên đã giúp Liên Xô có điều kiện trụ vững trước các đội quân xâm lược rồi đánh bại chúng. Vốn đã to lớn lại được thêm sự hỗ trợ của vũ khí hạt nhân, lục quân của Liên Xô trở thành một lực lượng “không thể cản bước” bằng chiến tranh chính quy. Lợi thế địa lý của Liên Xô cũng khiến nhiều người phương Tây e ngại rằng theo học thuyết địa chính trị “vùng trung tâm”, bất cứ ai kiểm soát được vùng lõi của lục địa Á-Âu thì đều sẽ kiểm soát được đại lục Á-Âu và sau đó là toàn thế giới.
Sức mạnh Xô viết tiếp tục mở rộng hơn bao giờ hết do họ luôn bận tâm đến vấn đề an ninh. Các lực lượng quân sự của Liên Xô liên tục hoạt động tích cực để đẩy kẻ thù ra xa Tổ quốc của họ càng nhiều càng tốt. Kết quả, quân đội Liên Xô bị căng ra đồn trú ở nhiều nơi thuộc Đông Âu và Đông Bắc châu Á.
Hoa Kỳ
Xe tăng của lục quân Mỹ lăn bánh trên sa mạc Ai Cập năm 2001.
Mỹ đã thực sư trở thành siêu cường toàn cầu đầu tiên sau Thế chiến thứ 2. Vào cuối cuộc chiến tranh thế giới này, Mỹ đã chiếm tới một nửa GDP toàn thế giới – một tỷ trọng mà chưa một nước nào khác đạt được trước đó cũng như sau đó. Trong 4 thập kỷ, Liên Xô đã tích cực cạnh tranh với Mỹ nhưng nhìn tổng thể Mỹ vẫn luôn nhỉnh hơn nhờ vào nền kinh tế, vị trí địa lý và các đồng minh của họ.
Kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, xét về mặt quân sự và công nghệ, Mỹ được hưởng vị thế gần như thống trị trên không và trên biển, cũng như có lợi thế trên bộ trong một cuộc chiến chính quy.
Mỹ kết hợp nhiều ưu điểm tốt nhất của các siêu cường trước đó. Họ kiểm soát một lãnh thổ cũng khổng lồ (quy mô cấp lục địa) và giàu tài nguyên giống như Liên Xô. Mỹ sở hữu một lực lượng quân sự có thể tạo ra những tổn thất lớn cho đối phương giống như quân Mông Cổ từng làm. Tương tự như đế chế La Mã, nước Mỹ không có đối thủ về mặt quân sự. Và điều quan trọng nhất là, nước Mỹ, giống như nước Anh, đã xây dựng sức mạnh của mình dựa trên một nguồn lực dồi dào, không phụ thuộc vào lãnh thổ (tức là yếu tố thương mại), và cũng giống như nước Anh, Mỹ sở hữu một lực lượng hải quân siêu hạng có khả năng tiếp cận các tuyến hàng hải yết hầu của thế giới.
Tuy nhiên có một điều mà ai cũng nên nhớ, kể cả các siêu cường vĩ đại nhất về mặt quân sự và kinh tế, đó là đến một lúc nào đó tất cả các siêu cường đều suy tàn, thường là do các mâu thuẫn nội tại./.
Theo Trung Hiếu/VOV.VN/National Interest
0 comments :
Post a Comment