(TNO) Trên trang cá nhân của mình, giáo sư Ngô Bảo Châu đã có một bài viết bày tỏ thái độ chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận khi Bộ trưởng bị dư luận “phê bình nặng nề” do việc xét tuyển đại học, cao đẳng đợt 1 không suôn sẻ.
Bài viết của giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận - Ảnh: Quý Hiên (chụp qua màn hình) |
Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Tôi nghĩ rằng cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan về sự thành công hay thất bại của kỳ thi quốc gia năm nay cũng như quá trình tuyển sinh. Không công bằng nếu đánh giá một việc ở tầm quốc gia, liên quan đến triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết, năm ngoái ông đã đưa ra quan điểm của mình về việc thi tốt nghiệp phổ thông, theo đó nên bỏ kỳ thi này, thay vào đó bằng việc xét học bạ, điểm học trong năm để xét tốt nghiệp, và đến giờ ông vẫn bảo lưu quan điểm. Vì thế, khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, ông đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế.
“Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể”, giáo sư Ngô Bảo Châu nhận xét.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng cho rằng chắc chắn những năm tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cho việc tuyển sinh đại học.
Giáo sư Ngô Bảo Châu viết: “Bộ trưởng Luận có một vài phát biểu thiếu khôn ngoan, gây phản ứng trong dư luận, nhưng không thể không ghi nhận những cải cách tích cực của ông. Tôi không nắm được hết mọi công việc của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhưng tôi tán thành những quyết định như đóng cửa bớt những khoá đào tạo tại chức kém chất lượng, cơ bản là bán bằng, lập lại việc tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học ở các ngành học tương ứng và cơ bản hơn, việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được triển khai từng bước.
Người làm chính trị chắc chắn phải biết đối mặt với dư luận. Về phía dư luận, tôi nghĩ rằng trước khi phê bình chính quyền cũng nên đặt mình vào ví trí của họ xem mình thực sự có thể làm tốt hơn hay không. Khi phê bình những gì chính quyền làm chưa tốt, cũng nên ghi nhận những gì họ làm tốt, hoặc làm tốt hơn trước. Ví dụ nếu so sánh với đề án biên soạn sách giáo khoa mà năm ngoái đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận, năm nay Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã được chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng”.
Sau khi xuất hiện chưa đầy một ngày, bài viết của giáo sư Ngô Bảo Châu đã nhận được 5.200 lượt thích, gần 450 lượt chia sẻ cùng rất nhiều bình luận mà phần lớn là tán thành.
Được biết, trên trang Học thế nào tại địa chỉ http://hocthenao.vn (một trang chuyên bàn về giáo dục đào tạo do giáo sư Ngô Bảo Châu chủ trì) cũng có nhiều bài viết phân tích những cái được và những cái chưa được, đồng thời đề xuất giải pháp cho kỳ thi THPT quốc gia cũng như việc xét tuyển đại học, cao đẳng.
0 comments :
Post a Comment