Nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết: “Hồ Chí Minh là người đã giương ngọn cờ “Đại Nghĩa” tập hợp được “Thế hệ vàng” tụ nghĩa để làm nên một giai đoạn lịch sử huy hoàng khó có thể lặp lại của dân tộc ta”.
Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) trong Chính phủ lâm thời (28.8.1945) - Ảnh: tư liệu |
Đó là những trí thức đã sẵn sàng gánh vai đảm nhiệm việc nước, làm bộ trưởng không lương trong thế nước nghìn cân treo sợi tóc.
Nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2015), Thanh Niên xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu trong Chính phủ Hồ Chí Minh những ngày đầu lập nước.
Tham gia trọn vẹn hai cuộc kháng chiến, cụ về hưu với cuộc sống thanh bạch của một nhà chí sĩ. Sinh thời, người trí thức được xếp vào bậc “khai quốc công thần” ấy luôn đặt lợi ích của Tổ quốc trên lợi ích của cá nhân.
Ba mong muốn nhỏ nhoi
Là Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên, đến cuối đời, cụ Vũ Đình Hòe vẫn đau đáu nỗi niềm với giáo dục. Mười ngày trước khi về cõi vĩnh hằng, khi trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thế Giới Mới về những ước nguyện đầu xuân về giáo dục, cụ vẫn rất minh tuệ:
“Nhà báo hỏi tôi những điều ước nguyện đầu xuân về giáo dục. Với tôi, một người đã gần đất xa trời, nói “ước nguyện” e rằng xa vời quá. Tôi chỉ xin có 3 mong muốn nhỏ nhoi. Một mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ cộng hòa đầy khó khăn gian khổ, đó là: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí”. Và chí ít ra, ngày chủ nhật ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hòa tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn đặng trở thành những chủ nhân mạnh mẽ, năng động và thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau”.
Những quyết định tạo nền móng cho giáo dục VN
Có lẽ với mười lăm năm dạy học, thêm vai trò Chủ nhiệm Báo Thanh Nghị và Phó hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ Bắc kỳ, nên ngay sau Cách mạng Tháng Tám, khi về đến Hà Nội, Bác Hồ đã mời cụ Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tuy chỉ có 6 tháng ở cương vị bộ trưởng, cụ Vũ Đình Hòe đã làm được nhiều việc quan trọng, đáng kể là ba chủ trương mang tính “tạo nền” cho giáo dục cách mạng VN:
Một là, quyết tâm thanh toán nạn mù chữ trong vòng một năm với mức tốn phí tiền bạc không đáng kể, vì chủ yếu dựa vào sức dân. Hai là, dạy học bằng tiếng Việt ở tất cả các cấp, kể cả bậc đại học. Ba là, nhanh chóng thực hiện cải cách giáo dục. “Thay thế hẳn nền giáo dục nhồi sọ của thực dân Pháp trước đây bằng nền giáo dục mới theo ba phương châm: dân chủ, dân tộc, khoa học”.
Sang năm 1946, tình thế cách mạng trong nước có nhiều biến động, với chủ trương liên hiệp các đảng phái cùng phụng sự Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhượng bộ cho Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội mà đứng đầu là Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh 70 ghế trong Quốc hội không phải qua bầu cử, đồng thời cho họ giữ 7 ghế bộ trưởng trong Chính phủ liên hiệp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Vũ Đình Hòe đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2.3.1946).
Suốt 15 năm đứng đầu Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã không ngừng đóng góp tâm sức, lực lượng vì sự nghiệp xây dựng nền pháp luật và tư pháp nhân dân, tập hợp những luật gia, luật sư yêu nước dưới ngọn cờ pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự nguyện tận tụy phấn đấu theo tinh thần “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư vì công lý, công bằng cho mọi người dân trong một nhà nước độc lập, dân chủ”.
Cụ Hồ và cố vấn Vĩnh Thụy
Tháng 8, mùa thu năm 2009, tôi vào TP.HCM. Nhờ NGƯT Vũ Thế Khôi, tôi đã được hầu chuyện cựu Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. Cụ kể cho tôi nghe chuyện vụ án ông cố vấn Vĩnh Thụy đào nhiệm.
- Đầu năm 1947 khi Cụ Hồ lên chiến khu, ông Vĩnh Thụy là người của Chính phủ, làm cố vấn tối cao, đã nhận lời Cụ Hồ đi làm công tác ngoại giao với Trung ương đảng Quốc dân của ông Tưởng Giới Thạch. Theo ý của Cụ Hồ thì ông là người gắn bó tình láng giềng với nhau, cùng làm cách mạng dân tộc, dân chủ.
Thế nhưng, ông Vĩnh Thụy tìm cách đi Hồng Kông, nửa đường không về nước, từ đấy liên hệ với phái viên của Pháp. Dần ra ông ấy trở thành người đi ngược với đường lối đánh Pháp.
Phong trào cách mạng trong nước yêu cầu, Chính phủ phải mở phiên tòa xét xử ông Vĩnh Thụy tử hình vắng mặt vì tội phản quốc.
“Việc này cũng bàn đi bàn lại trong Chính phủ. Cụ Hồ không muốn. Cụ tin là nếu mà mình khéo quan hệ thì vẫn có thể đưa ông Vĩnh Thụy về lại với chính nghĩa được”, cụ Hòe nhớ lại.
“Lúc đầu thì thái độ của ông Vĩnh Thụy cũng tốt, được anh em Việt Minh liên hệ, muốn phục vụ đất nước, cũng theo lời khuyên của lớp trí thức ở Hà Nội. Về sau này cứ dần dà ngả theo người Pháp. Còn đứng ra hẳn để chống lại Chính phủ kháng chiến thì không đến mức đó. Ông cũng do dự đến mấy năm. Rồi sau này ta cũng có người khuyên bảo ông ấy, nhất là ông Phạm Khắc Hòe trước đó làm Đổng lý văn phòng cho ông ấy. Nhưng mà về sau này, ông ấy dần dần xa phong trào cách mạng chống Pháp, ông ấy quên đi nhiệm vụ của mình.
Theo lời cụ Vũ Đình Hòe, nếu ông Vĩnh Thụy trở về thì quốc dân ta cũng không để cho ông ấy trong kháng chiến phải vất vả quá.
“Kể ra, nếu ông Vĩnh Thụy về nước, Hồ Chủ tịch chắc chắn giữ gìn cho ông Vĩnh Thụy cẩn thận, không để cho ông ấy bị Tây bắt. Cụ Hồ là cụ cẩn thận lắm. Cụ biết ông Vĩnh Thụy đã làm vua, rồi lại quen sống với lối sống của những người Pháp trí thức cao cấp. Tất nhiên có cách giải quyết cho ông ấy chứ, tìm cái chỗ yên ổn cho ông ấy ở chẳng hạn”.
Vũ Đình Hòe (1912 - 2011) sinh trong một gia đình nhà nho tại làng Hoa Đường (nay là làng Lương Ngọc), xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đời nối đời làm nghề thầy. Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục (8.1945 - 3.1946), Bộ trưởng Bộ Tư pháp (3.1946 - 9.1960).. |
0 comments :
Post a Comment