Nhà chữ đinh xưa

Đã cuối hạ đầu thu, sau những cơn mưa dai dẳng mang đến chút se lạnh, trời lại chớm hửng nắng và cái nắng gay gắt làm rát bỏng thịt da. Ở Sài Gòn, giữa những khối nhà cao tầng bê tông, đường xe chen chúc xuôi ngược thì cái nóng bức này thật khó chịu. Trong khi đó, ở Hà Nội, anh bạn thân gọi điện vào than thở có ngày như đang ở trong... lò bát quái. Các nhà khoa học lại có dịp nói về sự biến đổi khí hậu khiến trái đất nóng dần lên, sự bê tông hóa... Riêng tôi thì muốn nói về những căn nhà “chữ đinh”.

Vừa rồi, nhân đi đám cưới một người cháu trong họ từ Bình Dương qua Tây Ninh, buổi trưa tôi được nằm nghỉ trong một căn nhà xây cất theo kiểu cổ, giữa một khu vườn hoa kiểng, mặc dù bên ngoài đang rất nắng vẫn thấy dễ chịu vì sự thoáng mát lạ lùng. Gió qua vườn mang theo đủ các loại hương hoa làm thư thái tâm hồn. Mơ màng nhìn những cây cột gỗ đen tròn, bóng loáng theo thời gian, tôi lẩm nhẩm đọc những bức hoành phi, câu đối mà như thấy bóng dáng những đoàn người di dân Nam tiến mở cõi khi xưa...
Trên quê mới, đất đai bạt ngàn, nắng gió quanh năm, các bậc tiền nhân đã làm nên những căn nhà “chữ đinh” ba gian hai chái, mang dấu ấn quê nhà miền Trung. Đó là kiểu nhà gồm một nhà trên và một nhà dưới, mà ngày nay còn thấy ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang... Vật liệu thường được xây là gạch, lợp ngói hoặc tôn, đối với gia đình khá giả như trung nông hoặc quan lại, nhà luôn có dàn cột kê tán bằng gỗ quý, trên có những bức hoành phi hoặc câu đối nêu cao công đức hoặc tài năng của tổ tiên gia chủ. Nhà chữ đinh rất rộng và thoáng, là kiểu nhà phân bố một căn ngang và một căn xuôi liền vách, tức là đòn dông nhà trên và đòn dông nhà dưới thẳng góc với nhau, tạo thành hình chữ đinh như Hán tự. Thông thường, nhà trên được xây cất với kích thước to hơn và vật liệu tốt hơn nhà dưới, vì nhà trên được xem là nhà chính quan trọng hơn, có chức năng là nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên, nơi dành để tiếp khách quý. Nhà dưới dùng cho sinh hoạt trong gia đình. Bên trong nhà trên thường được bố trí bàn thờ đặt ở gian giữa và các gian hai bên. Cách bố trí bàn ghế, đi văng, tủ… tùy theo gia chủ nhưng hầu hết đều giống nhau như bộ bàn ghế chính giữa, hai bên kê đi văng hay bộ phản. Và dù ở gian nào cũng luôn có gió trời, mát về mùa nóng mà ấm cúng về mùa lạnh.
Ở các tỉnh miền Đông hay miền Tây hiện nay, người ta cũng ít xây dựng nhà mới theo kiểu chữ đinh. Xã hội ngày càng văn minh phát triển, cùng với số lượng người ngày càng gia tăng, “tấc đất, tấc vàng”, muốn cất nhà chữ đinh cũng khó vì phải có khu đất rộng, bốn bên thoáng đãng là vườn cây xanh hoặc đồng ruộng. Nhà chữ đinh ngày càng hiếm dần, một số ngôi nhà xây dựng trước đây được đưa vào diện “nhà cổ” cần bảo tồn và gìn giữ bởi thời gian làm hư hỏng và xuống cấp. Có người còn dỡ mái ngói, rui kèo, cột tán, bán cho những người thích sưu tầm nhà cổ mua về, dựng lên trong khuôn viên sân vườn, biệt thự xem như làm kiểng mua vui cùng với bạn bè, người thân.
Bỗng thấy tiếc, ngậm ngùi thương những căn nhà chữ đinh của cha ông thời mở cõi...
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 comments :

Post a Comment