Chúng tôi đã làm cuộc khảo sát nhỏ trên đối tượng là học sinh (HS) THPT có lực học ở nhiều mức khác nhau.
Cuộc khảo sát tập trung ở 2 khía cạnh: nội dung chương trình và hình thức trình bày của sách giáo khoa (SGK) THPT hiện hành. Sau đây là kết quả:
Về nội dung chương trình, khoảng 70% HS cho rằng chương trình còn nặng, cần giảm tải, cả những môn thuộc khoa học tự nhiên cũng như xã hội.
Chính vì thế, hầu hết HS đều cho rằng để theo kịp chương trình SGK, đáp ứng yêu cầu thi cử, phải học thêm để bổ trợ kiến thức. Nhưng cũng nghịch lý là hơn 60% số HS được hỏi không cho chương trình ở SGK là kiến thức trọng tâm, đáp ứng những yêu cầu căn bản, chỉ cần học trong đó là đủ, mà cần thêm các tài liệu ở ngoài.
Nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi một số nội dung cho phù hợp, gần gũi hơn với thực tế cuộc sống. Chẳng hạn, môn giáo dục công dân bị cho là quá khô cứng, môn lịch sử cần thay đổi cho lý thú, hấp dẫn hơn, môn ngữ văn thì nên có những tác phẩm gần gũi hơn với HS nhưng vẫn có giá trị cao về tư tưởng nghệ thuật.
Các môn khác như vật lý, hóa học thì cần gắn với thực tế cuộc sống nhiều hơn. Môn toán cũng được đánh giá là có nhiều phần rất nặng, hàn lâm nhưng mơ hồ về tính ứng dụng thực tế. Nhất là môn tiếng Anh, đa phần cho rằng quá nặng về ngữ pháp, từ vựng, cần hướng đến việc học giao tiếp nhiều hơn...
Về hình thức trình bày, hơn 90% HS được hỏi tỏ ra không hài lòng với SGK. Khi chúng tôi hỏi: "Theo anh/chị, làm thế nào để SGK "bắt mắt" hơn, làm HS yêu mến hơn về hình thức?", hầu hết các em đều cho rằng cần tăng cường hình ảnh cho thật sinh động, đưa thêm nhiều câu chuyện, nhiều dẫn chứng minh họa hấp dẫn hơn. Màu sắc, phông, kiểu chữ cũng nên thay đổi; chất liệu giấy cũng phải cải tiến để bớt sự thô cứng, đơn điệu, nhàm tẻ, cho phù hợp tâm lý lứa tuổi, tăng sức hấp dẫn, tạo nên sự yêu mến của người học...
Trước lộ trình thay đổi chương trình, SGK từ năm 2018 sắp tới, kết quả khảo sát nhỏ trên cho ngành giáo dục thêm một số lưu ý với cuộc "lột xác" lần này.
0 comments :
Post a Comment