Đột nhập 'đại công trường' đá đỏ trái phép - Kỳ 4: Đường đi của đá đỏ

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, đá đỏ (ruby) khai thác trái phép từ vùng rừng núi Yên Bái theo tay buôn đến các tiệm vàng, bạc, đá quý, thậm chí đi khắp nơi trên thế giới.

Một đầu nậu đang xem xét chất lượng đá quý rất kỹ trước khi bỏ tiền ra mua - Ảnh: Hà An Một đầu nậu đang xem xét chất lượng đá quý rất kỹ trước khi bỏ tiền ra mua - Ảnh: Hà An
Để đánh giá, phân biệt độ quý của đá đỏ, người địa phương chia mặt hàng này thành nhiều chủng loại, cấp bậc khác nhau theo giá trị từ thấp đến cao: sái, xỉ, saphia, ruby.
Thứ hạng cao nhất là ruby cũng được chia ra rất nhiều phân cấp khác nhau dựa vào màu sắc, kích cỡ, độ trong của đá. Ruby có nhiều màu sắc như xanh, đỏ, hồng, trắng, vàng, nếu dùng khò để đốt ruby không vỡ. Nhìn bề ngoài, ruby loại tốt phải có nước mịn, khi soi trước đèn không thấy bọt hoặc vết xước nguyên thủy bên trong. Tuy nhiên, thứ mong đợi tột đỉnh của dân đào đá là loại ruby có khả năng tự phản quang, màu đỏ tiết dê, trong suốt và không gợn bọt. Giá trị của loại đá này hiện cực cao.
Ông Lục Văn Tài, một phu đá ở Bãi Cạn, cho biết tại Lục Yên có nhiều thợ chế tác đá. Trong đó, có nhóm mua cả xỉ lẫn ruby về chế tác mỹ nghệ tranh đá quý, bán đi khắp nơi trong và ngoài nước; có nhóm chỉ mua những loại đá cao cấp rồi bán lại cho người Ấn Độ, Pháp... và bán cho các tiệm vàng, đá quý làm mặt nhẫn.
“Trúng nhiều lắm”
Không dễ “qua mặt” du khách
Có mặt tại chợ đá quý Lục Yên, chúng tôi chứng kiến cảnh một phu đá đem viên đá bằng ngón chân rao với giá 8 triệu đồng, lập tức đầu nậu đưa viên đá đó soi kỹ rồi trả giá 200.000 đồng. Phu đá hạ còn 7,5 triệu nhưng con buôn lắc đầu bỏ đi. Một viên đá khác phu hét 100 triệu đồng, con buôn trả 5 triệu đồng. Giằng co một hồi, giá được chốt 20 triệu đồng!
Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng đá đỏ lưu thông tại chợ đá Lục Yên là rất lớn. Khu vực này không chỉ có đá xuất xứ từ Yên Bái mà còn có cả các nơi khác tuồn về như Cao Bằng, Hà Giang, Đà Nẵng... Nhiều đầu nậu tại Lục Yên khẳng định, rất khó “hét” giá với khách hàng là người Pháp, bởi họ rất hiểu biết về đá ruby và mặc cả rất gắt. Thậm chí họ còn giảng dạy cho người dân kiến thức về đá ruby. Còn khách Ấn Độ, Thái Lan thì thoáng tay hơn trong việc mua đá.
Khi thâm nhập Bãi Cạn, một phu đá tên Tùng lôi ra cho chúng tôi xem nắm xỉ có trọng lượng khoảng 0,3 kg và nói: “Chỗ xỉ này nếu đem xuống chợ khéo mặc cả thì có thể được 2 triệu đồng. Nhưng cũng có khi phu đá đem đến 10 kg xỉ ra chợ đá chỉ thu về 7 - 8 triệu đồng. Không những xỉ mà ngay cả đá đỏ thuộc dòng ruby cũng không có một khung giá nào cố định, vì vậy mới có chuyện phu đá khi bán qua tay một viên ruby với giá 20 triệu đồng cho thợ, sau đó thợ bán lại cho dân chơi với giá lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng”.
Theo nhẩm tính của Tùng, chỉ cần lấy xỉ không thôi thì mỗi ngày một phu đá có thể kiếm ra từ 200.000 - 500.000 đồng, gấp mấy lần trồng lúa và hơn tiền công đi chặt gỗ thuê, mà công việc lại thoải mái thời gian, thích thì làm, mệt thì nghỉ. Và đó chính là lý do người từ nhiều nơi đổ về khai thác trái phép đá đỏ.
Dân phu thường truyền nhau những cái tên trúng đá đỏ và thu về số tiền lớn. Như việc phu đá Lục Văn Thư (H.Lục Yên) trúng viên đá ruby bán được ngót tỉ đồng. Cuối năm 2014, ông Thư tiếp tục trúng thêm một lô đá đỏ giá trị trên 500 triệu đồng.
Để kiểm chứng, chúng tôi tìm cách tiếp cận ông Thư ngay tại lán trong lúc nhậu. Sau vài chén rượu giao lưu thăm hỏi, PV hỏi mua đá, nhân tiện hỏi về “lộc trời” người này kiếm được. Ông Thư dè chừng: “Cũng được, nhưng mà có tí, bọn nó đồn linh tinh đấy. Giờ tao không còn viên đá nào nữa, cách đây vài hôm vừa bán hết cho một thợ dưới thị trấn được có mấy chục triệu đồng”.
Khác với thái độ dè dặt của phu đá tại Bãi Cạn, nhiều người ở bãi Cửa Tử lại tỏ ra cởi mở về việc trúng đá đỏ. Ông Hoàng Văn Chất (54 tuổi), một phu đá Cửa Tử, cho biết: “Trúng đá cả tỉ đồng thì hiếm, còn trúng ruby bán được vài chục đến vài trăm triệu đồng thì nhiều. Vừa rồi bọn tao trúng 20 triệu đồng”.
Cũng theo ông Chất, bãi Cửa Tử trúng ít đá hơn so với Bãi Cạn: “Dân Bãi Cạn trúng nhiều lắm, bọn nó toàn trúng “hàng” mấy chục triệu đồng. Ở đó cũng nhiều xỉ (dấu hiệu cho thấy có đá ruby - PV). Nhưng dân dưới đó kín tiếng lắm”. Nói rồi ông Chất lôi ra viên ruby cỡ nhỏ cho chúng tôi xem và hướng dẫn cách cơ bản để phân biệt đá quý: “Viên ruby màu tiết dê này nếu to bằng móng tay, giơ lên ánh sáng soi không thấy chấm đen thì có thể bán được trên 100 triệu đồng. Nhưng bên trong nó có 2 nốt đen, vì thế giá giảm còn 25 - 30 triệu đồng”.
Chân dung đầu nậu đá
Sau những ngày lặn lội trong rừng sâu, PV Thanh Niên trở lại Lục Yên để tìm hiểu đường đi của đá đỏ khai thác trái phép. Từ chỉ dẫn của người dân, chúng tôi bắt mối với một đầu nậu tên Chiều, được liệt vào top những tay buôn đá sừng sỏ nhất Lục Yên.
Ông Chiều cho biết: đá quý Lục Yên đi khắp trái đất. Màu sắc và chủng loại phụ thuộc vào sở thích của dân chơi, quan niệm về đá của mỗi nước. Có nhiều “con đường” đưa đá đỏ đi khắp nơi, đó là theo chân những khách nước ngoài trực tiếp đến Lục Yên mua đá, chủ yếu khách các nước như Anh, Pháp, Ấn Độ, Mỹ... Thứ hai là từ dân buôn bản địa, đá đỏ, ruby được bán lại cho các đầu nậu khác dưới xuôi, thường là chủ các tiệm vàng, bạc đá quý và dân chơi đá đỏ chính hiệu, sau đó đá đỏ lại chuyền tay đến khách nước ngoài với giá tùy thích.
“Hiện khách Ấn Độ đang lùng sục mua loại đá ruby xanh hero (màu xanh giống vỏ thuốc lá Hero - PV) với giá rất cao. Trong khi đó, khách Thái Lan, VN, Pháp lại thích mua loại ruby đỏ”, ông Chiều nói.
Cũng theo ông Chiều, việc hét giá đối với đá đỏ rẻ tiền thì không mấy khó khăn. Nhưng với những viên đá ruby đẹp đôi khi chính đầu nậu cũng bị choáng và không biết giá trị thật của nó. Ông Chiều từng mua một viên ruby với giá 140 triệu đồng rồi đem bán lại cho đầu nậu khác với giá 500 triệu đồng. Nghĩ giá đó là quá lãi rồi, nhưng khi hay tin đầu nậu kia bán lại cho một người khác 1,6 tỉ đồng thì ông Chiều choáng và ốm mấy ngày liền!
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 comments :

Post a Comment