Mới đây, tại Hội nghị Tuần lữ hành Virtuoso diễn ra tại Mỹ, các nhà tổ chức đã bình chọn Việt Nam xếp hạng nhất bảng "Top 10 điểm đến mùa thu năm nay".
Từ sự kiện này, tôi tự hỏi, tại sao chúng ta luôn được ưu ái trong mắt bạn bè quốc tế mà du lịch Việt Nam vẫn chậm phát triển như vậy? Phải chăng chúng ta còn thiếu chiến dịch "truyền thông tình cảm", như cách mà New York đã thành công trước đó.
Trào lưu “I ♥…” ở Việt Nam
Tôi có dịp đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam, hầu như ở đâu tôi cũng đều bắt gặp những sản phẩm du lịch như áo phông, mũ, ly uống nước... gắn với thông điệp “Tôi yêu…”, kiểu như: “I love Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An...”, thậm chí là “I love Việt Nam”.
Các sản phẩm du lịch này hiện diện như một phần không thể thiếu và nó phần nào đáp ứng được nhu cầu của du khách như khẳng định sự “check in” tại điểm đến, nhất là thời mà mạng xã hội như Facebook đang thống trị trên internet.
Sản phẩm “I love...” được các doanh nghiệp làm du lịch đặt hàng, sản xuất một cách rất tự phát, từ việc nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để tạo nên trào lưu, nhưng mặt khác cũng cho thấy sự nhạy bén của các doanh nghiệp khi biết khơi gợi nên tình cảm mến yêu của du khách dành cho các địa danh.
Cho đến giờ, nhiều người vẫn tìm mua và mặc lên mình những chiếc áo phông in biểu tượng “I love...” với một niềm tự hào và kiêu hãnh tinh tế. Tôi chợt nghĩ, giá mà chúng ta cũng học hỏi được thành phố New York để thực hiện cho mình một chiến dịch truyền thông tình cảm thì hay biết mấy.
Kinh nghiệm thành công của New York trong việc thực hiện chiến dịch truyền thông tình cảm “I love NY” có lẽ là bài học quý báu cho những người làm du lịch ở Việt Nam.
Bài học từ New York…
Nhìn vào sự xa hoa, tráng lệ của New York ngày nay, hẳn ít người ngờ được rằng, thành phố ấy thuở xưa được mua lại chỉ với giá vài đồng đôla. Từ xuất phát điểm thấp như vậy, nơi đây đã có những bước đi thế nào để trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất thế giới?
New York được những người Hà Lan phát hiện lần đầu tiên vào năm 1609 và được đặt tên là New Amsterdam. 17 năm sau, một vụ mua bán đất đai đã diễn ra. Với một mớ hạt dây ruy băng, những người Hà Lan đã “đổi chác” được cả một vùng đất rộng lớn Manhattan (trong đó có thành phố New York ngày nay) với người da đỏ bản địa.
Đến năm 1664, vua Charles đệ nhị của Anh giành lại vùng đất này và giao cho Công tước xứ York quản lý. Cái tên New York cũng chính thức ra đời từ đó.
Khi nhắc đến New York, nhiều người thường nghĩ ngay đến bức tượng Nữ thần Tự do nổi tiếng, nhưng thành phố này đâu chỉ có vậy, ở đây còn có vô số địa danh nổi bật, không chỉ trong khuôn khổ của một nước Mỹ rộng lớn, mà với cả thế giới. Có thể kể đến như quảng trường Thời đại, tòa nhà Liên Hiệp Quốc, công viên Gentral, bảo tàng nghệ thuật hiện đại...
Slogan "I love NY" được quảng bá khắp mọi nơi tại Mỹ. |
Cũng có thể ví von New York như một thành phố vừa già, vừa trẻ, bởi tính truyền thống, kế thừa đều được phát huy. Trong nhiều năm, chính quyền nơi đây đã cố gắng xây dựng, dung hòa hai hình ảnh đặc trưng cho New York, đó là một thành phố được tạo nên bởi các công trình kiến trúc hoành tráng, và một khu thánh địa thương mại luôn luôn sôi động bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, ít người biết rằng New York chỉ thực sự nổi tiếng sau chiến dịch quảng cáo của chính quyền thành phố vào năm 1970 để thu hút khách du lịch. Câu khẩu hiệu “I love NY” ra đời từ đó và cho đến nay, đây vẫn là một trong những chiến dịch quảng bá, xây dựng thương hiệu bằng tình cảm thành công nhất.
Hiện nay, slogan này vẫn được sử dụng thường xuyên trong các chương trình, chiến dịch quảng cáo khác. Chỉ bằng “I love NY”, thành phố này đã đem lại niềm tự hào cho tất cả mọi người, không chỉ là cư dân bản địa, mà với cả khách du lịch đã từng đặt chân tới và biết đến nơi đây.
Thành công của New York trong việc tạo ra một chương trình truyền thông tình cảm với khẩu hiệu trên, đến nay vẫn không hề cũ. Với du lịch Việt Nam, hay phạm vi nhỏ hơn là du lịch các địa phương, chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên những chiến dịch truyền thông tình cảm tương tự.
Có điều, để làm được điều này thì cần sự phát động và đồng hành từ phía các cơ quan chủ quản như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương.
>> Xem thêm: Tham quan nhà ga độc đáo nhất New York / MoMA bảo tàng nghệ thuật hàng đầu New York
Đức Thành
Chuyến đi thay đổi cuộc đời tôi Tôi tin rằng bạn có khả năng đạt được ước mơ cháy bỏng của mình và dùng niềm tin đó để giữ thái độ tích cực mà vượt qua mọi vật cản hay vấp ngã. |
Chia sẻ những hình ảnh, bài viết của bạn tại đây.
0 comments :
Post a Comment