Ngày 5/10, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lên 14,4%. Cơ quan này không đồng tình với mức tăng 12,4% như quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt.
Đại diện người lao động đưa ra nhiều lý do kiến nghị tăng lương, như: kinh tế khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng cao trong khi tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là không hợp lý. Điều 91 Luật Lao động 2012 quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% để thực hiện nghiêm túc quy định của luật, đảm bảo đến năm 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Ngoài ra, đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn trong khi doanh nghiệp đủ khả năng chi trả. Trong thực tế doanh nghiệp đã chi trả cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 20 đến 40%.
Đại diện người lao động cho rằng đời sống công nhân lao động gặp khó khăn, cần phải tăng lương hợp lý. Ảnh: Mai Anh. |
Tổng liên đoàn cho rằng, thời điểm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đúng vào lúc chuẩn bị khai mac Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Việc xem xét điều chỉnh tiền lương ở mức trên là hợp lý, động viên công nhân lao động, tránh tạo ra bức xúc làm quan hệ lao động trong các doanh nghiệp trở lên phức tạp.
Ngày 3/9, Hội đồng tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 2016 với mức tăng trung bình là 12,4%. Tương ứng mức lương vùng I là 3,5 triệu; vùng II là 3,1 triệu; vùng III là 2,7 triệu và vùng IV là 2,4 triệu đồng.
Việc lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu vùng của hội đồng gặp nhiều khó khăn khi các bên không thống nhất dù trải qua nhiều phiên họp. Đến phiên cuối cùng, hội đồng thực hiện bỏ phiếu với mức đồng thuận 13/14. Đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động đều không hài lòng song chấp nhận kết quả. Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn cho rằng "ít nhất phải tăng bằng với mức năm 2015 (14,8%) thì mới hợp lý".
Trước đó, Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng xin mức tăng lương riêng khoảng 6%. Cơ quan này cho rằng mức tăng 12,4% như Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định là thách thức lớn cho ngành dệt may vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Phương Hòa
0 comments :
Post a Comment