(TNO) Đàm phán hòa bình ở Myanmar luôn trục trặc khi có Trung Quốc tham gia, nhưng khi Nhật và phương Tây xuất hiện thì mọi chuyện kết thúc tốt đẹp.
Lực lượng nổi dậy Myanmar ở vùng biên giới - Ảnh: Reuters |
Tuần qua, chính phủ Myanmar đã đạt thỏa thuận ngừng bắn với 8 nhóm nổi dậy, trong đó có lực lượng Liên đoàn quốc gia Karen khét tiếng. Cuộc đàm phán kéo dài 2 năm và có nguy cơ không đạt được kết quả như hiện nay nếu không có sự can dự của Nhật và phương Tây, cho dù chỉ với vai trò quan sát viên.
Một nhà đàm phán hàng đầu của Myanmar đã cáo buộc Trung Quốc luôn tìm cách phá hoại cuộc đàm phán, không muốn chính phủ và lực lượng nổi dậy đạt được thỏa thuận ngừng bắn, Reuters cho hay hôm nay 9.10.
Ông Min Zaw Oo, một quan chức cấp cao của Trung tâm hòa bình Myanmar, cơ quan có mối liên hệ với chính phủ Myanmar và điều phối cuộc đàm phán giữa chính phủ và các lực lượng nổi dậy, nói rằng các đặc phái viên của Trung Quốc luôn gây sức ép lên 2 nhóm chính trong các nhóm nổi dậy ở vùng biên giới Myanmar với Trung Quốc và ngăn cản họ ký kết thỏa thuận hòa bình với chính phủ.
Theo Reuters, kể từ khi có sự can thiệp của đặc phái viên Trung Quốc, chỉ có 8 nhóm nổi dậy tham gia đàm phán mà lẽ ra là 15 nhóm. Nhiều nhóm nổi dậy ở Myanmar từng do người Trung Quốc chỉ huy và nhận tài trợ của Trung Quốc.
Nhóm Nhà nước Wa thống nhất (UWSA), một trong hai nhóm do Trung Quốc tài trợ đã cho biết qua một thông cáo hồi tháng 9.2015 rằng chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã yêu cầu nhóm này không được dính líu đến Nhật và phương Tây trong quá trình đàm phán ngừng bắn, theo Reuters.
“Trung Quốc luôn nói họ muốn ổn định, nhưng cùng lúc họ cũng muốn gây ảnh hưởng lên các nhóm nổi dậy dọc biên giới với Trung Quốc”, ông Min Zaw Oo nói với hãng tin Reuters. Ông Min Zaw Oo nói rằng ông cố không muốn nói ra chuyện này nhưng “đã đến lúc cần phải chấm dứt sự rỉ rả”.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc
Ông Min Zaw Oo, một trong những nhà đàm phán cấp cao của chính phủ Myanmar tố cáo Trung Quóc phá đám thỏa thuận ngừng bắn - Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận ngừng bắn sẽ được các bên ký kết chính thức vào giữa tháng 10.2015, nhưng nhà đàm phán hàng đầu của Myanmar lo ngại thỏa thuận sẽ gặp rắc rối khi Bắc Kinh chống đối việc tham gia của Nhật và phương Tây với tư cách là quan sát viên quốc tế được đề cập trong điều khoản của thòa thuận.
Nhà phân tích chính trị ở Yangon, ông Richard Horsey cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc phản ứng với điều khoản người chứng kiến là Nhật hay phương Tây trong thỏa thuận. “Lựa chọn người chứng kiến luôn là vấn đề nhạy cảm. Trong sự cạnh tranh giữa người Trung Quốc và Nhật hiện nay, điều đó không quá ngạc nhiên”, ông Horsey nhận định.
Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc nói trên. “Trung Quốc ủng hộ các bên ở Myanmar trong việc giải quyết các vấn đề khác biệt thông qua đàm phán hòa bình như việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn (Trung Quốc ủng hộ) ngay từ những ngày đầu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi phát biểu nhằm bác bỏ cáo buộc của ông Min Zaw Oo, theo Reuters.
Dù Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc, nhưng sự chỉ trích trong công chúng, vốn hiếm thấy ở Myanmar, đã làm bùng lên căng thẳng giữa Trung Quốc và Myanmar, quốc gia lâu nay phụ thuộc vào Bắc Kinh giờ muốn thoát khỏi sự ràng buộc này. Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar.
0 comments :
Post a Comment