Từ tro tàn của đế chế - Bài 4: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ

(TNO) Nằm trong khu vực nóng bỏng nhất thế giới hiện nay nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được ổn định để tăng trưởng thần kỳ trong một thập niên qua. Đây hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên hay may mắn.

5 năm liên tục (2010 - 2014) Turkish Airlines được hãng tư vấn Skytrax (Anh) chọn là hãng hàng không tốt nhất châu Âu - Ảnh: Quốc Thịnh5 năm liên tục (2010 - 2014) Turkish Airlines được hãng tư vấn Skytrax (Anh) chọn là hãng hàng không tốt nhất châu Âu - Ảnh: Quốc Thịnh
Có một sự trùng hợp khá thú vị. Cuối năm ngoái, tôi có dịp ghé thăm Budapest, thủ đô Hungary. Tại thành phố xinh đẹp này, có hai thứ tôi được nghe nhiều nhất: bản Danube Xanh của nhạc sĩ người Áo Johann Strauss, và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Ottoman của quân dân Hungary.
Thật may mắn, 9 tháng sau tôi có dịp đặt chân đến quốc gia thù địch trong quá khứ của người Hungary. Hành trang mang theo lần này là khúc nhạc của một thiên tài người Áo khác, Wolfgang Amadeus Mozart. Đó là Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish March) lừng danh. Nếu Danube Xanh lãng mạn trữ tình và bay bổng, thì Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ rộn rã, mạnh mẽ như tiếng reo đắc thắng của một đoàn quân bất khả chiến bại.
Thế kỷ 15 - 17 là thời cực thịnh của Ottoman gắn liền với các cuộc chinh chiến liên miên. Sau đó đến thời kỳ suy tàn và cuộc chiến cuối cùng đế quốc Ottoman tham gia chính là Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thất bại của phe Liên minh trung tâm mà Ottoman là một thành viên đã kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn của đế chế vào năm 1918. Năm năm sau, nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 4: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ 2 Gần 40 triệu du khách nước ngoài đến Thổ Nhĩ Kỳ hằng năm - Ảnh: Hải Thành
***
Năm ngoái, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ dậy sóng khi hình ảnh Dinh tổng thống mới được công bố. Đó là một cung điện 1.150 phòng với chi phí xây dựng 615 triệu USD, trên một khu đất 200.000 mét vuông được cho là rộng gấp 30 lần Nhà Trắng của tổng thống Mỹ. Ông Recep Tayyip Erdogan, vừa đắc cử tổng thống trước đó ít lâu, đã trở thành tâm điểm chỉ trích của phe đối lập.
Cung điện xa hoa xây dựng ở Ankara phản ánh một góc nhìn khác về con người - chính khách Erdogan. Tuy nhiên, điều mà đa số người dân Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận là trong 10 năm giữ chức thủ tướng, Erdogan đã đem lại sự tăng trưởng chưa từng thấy cho đất nước này: chỉ từ năm 2003 - 2013, GDP đã tăng gấp 3 lần và hiện xếp 17 thế giới. Và một trong những câu chuyện thành công của nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại có thể được minh họa qua cú tăng tốc thần kỳ của hãng hàng không quốc gia nước này.
Cách đây chưa quá lâu, nhắc đến hàng không châu Âu, người ta có thể kể đến những cái tên như Air France, Lufthansa, British Airways... Turkish Airlines lúc này vẫn như một người Hobbit lọt thỏm giữa những gã khổng lồ. Vậy mà 10 năm sau, mọi thứ đã thay đổi như một câu chuyện thần thoại.
Người tí hon đã vươn vai trỗi dậy với mức tăng trưởng xấp xỉ 20% trong suốt 10 năm, để trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới về số điểm bay quốc tế (230 điểm), số quốc gia bay đến (110 nước). Với chất lượng phục vụ được cải thiện không ngừng, suốt 5 năm liên tục (2010 - 2014) Turkish Airlines được hãng tư vấn Skytrax (Anh) chọn là hãng hàng không tốt nhất châu Âu. Đội bay của Turkish Airlines gồm những máy bay hiện đại B777, A330 và vài năm gần đây đã tăng rất nhanh, hiện có hơn 300 chiếc. Riêng ở thị trường châu Á, với việc mở đường bay thẳng tới Việt Nam, Turkish Airlines đã phủ sóng gần như toàn bộ các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu lục.
Theo ông Ngô Minh Đức - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hàng không Hương Giang, Tổng đại lý Turkish Airlines tại Việt Nam - hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu bay tuyến Istanbul - Bangkok - TP.HCM từ ngày 30.12.2010 với tần suất 4 chuyến/tuần. Chỉ sau 6 tháng đã tăng lên 7 chuyến/tuần (hằng ngày) với lượng khách tăng trưởng đều. Hiện trung bình mỗi tháng Turkish Airlines vận chuyển khoảng 5.000 khách từ TP.HCM đi Istanbul và châu Âu.
Từ tro tàn của đế chế - Bài 4: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ 3Tiến sĩ Temel Tokil, CEO Turkish Airlines, cùng lãnh đạo hãng hàng không tiếp đoàn báo chí Việt Nam - Ảnh: Hải Thành
Từ tro tàn của đế chế - Bài 4: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ 5Điệu belly dance nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Hải Thành
***
Cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới, các điểm du lịch Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập du khách Trung Quốc. Thế nên đừng quá khó chịu khi người địa phương "nĩ hăo" lúc bắt gặp một gương mặt Á Đông. Khi chúng tôi nói rằng mình là người Việt Nam, họ thốt lên một từ tiếng Anh: "War" (chiến tranh).
Điều đáng nói là đây không phải tình huống giao tiếp cá biệt. Lẽ nào mọi thứ về Việt Nam chỉ gói gọn trong một từ khốc liệt như thế? Thế nhưng ở phía ngược lại, có bao nhiêu người Việt hiểu biết sâu sắc về Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài hình ảnh các đoàn quân hung bạo của đế chế Ottoman?
Là một trong những doanh nhân tiên phong có thâm niên 10 năm làm việc với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ngô Minh Đức nhận xét: "Hai bên chưa thực sự biết nhiều về nhau. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho Việt Nam là một nước lạc hậu. Còn Việt Nam chưa hiểu tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ, đó là một nước có vị trí chiến lược rất quan trọng, kinh tế phát triển nhanh và vị thế ngày càng cao trong khu vực. Ngay Bộ Ngoại giao còn xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào nhóm nước Tây Á - châu Phi, cho dù họ là một nước châu Âu thật sự và giao thiệp, làm ăn chủ yếu với các nước trong châu lục này".
Trong tiến trình lịch sử, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ ân oán nào với nhau. Điều này rất thuận lợi để xây dựng và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác làm ăn giữa hai quốc gia. Một chút hạn chế là vì chưa gặp nhau bao giờ, nên phải mất thời gian để “làm quen”. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ yết hầu của Biển Đen, thì vị thế địa chính trị của Việt Nam cũng không kém. Đó sẽ là con đường mà hàng hóa - cùng hàng ngàn năm văn hiến của các đế chế trên bán đảo Anatolia - tiến vào Đông Dương và lớn hơn, cả Đông Nam Á.
***
Từ tro tàn của đế chế - Bài 4: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ 6 Đồ gốm Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng từ lâu - Ảnh: Hải Thành
Từ tro tàn của đế chế - Bài 4: Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ 5Trẻ em Syria trên đường phố Istanbul - Ảnh: Hải Thành
Trong những ngày ở Istanbul, chúng tôi liên tục bị đu bám bởi rất nhiều trẻ con và phụ nữ người Syria chạy loạn. Họ bán các xấp khăn giấy hoặc đơn giản hơn, xin tiền. Điều này nhắc chúng tôi rằng, chỉ cần bước qua biên giới đất nước kỳ thú này là đã hiện diện ở khu vực phức tạp bậc nhất thế giới.
Trong khi các cuộc giao tranh với đảng Công nhân người Kurd (PKK) vẫn tiếp diễn, quyết định tham chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) làm tăng nguy cơ các vụ tấn công trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với đội quân thường trực chỉ ít hơn Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị các nhóm cực đoan cho là quay lưng với thế giới Hồi giáo, thân phương Tây. Nguy cơ khủng bố vì thế luôn hiện hữu, đặc biệt ở những thành phố có đông đảo du khách thăm viếng như Istanbul. Ngoài những vấn đề an ninh quốc gia, sự tăng trưởng quá nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn tới những hệ lụy mà chính chúng tôi đã trải nghiệm, như nạn kẹt xe, ô nhiễm môi trường…
“Mặc dù nằm trong một khu vực không ổn định nhưng tôi tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt. Có ba lý do: 1) Hướng đi của họ là rất đúng đắn khi luôn làm bạn với các nước lớn, 2) Sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng cơ sở như đường sá, sân bay (năm 2017 sân bay mới ở Istanbul sẽ đi vào hoạt động) là động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển, 3) Có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán như Tổng thống Erdogan”, ông Chu Minh Đức nhận xét.
Tôi tin lời ông Đức. Từ tro tàn của đế chế, hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa đã cất lên và sẽ không bao giờ ngừng reo vui.
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 comments :

Post a Comment